Lập kế hoạch chiến lược là gì?
Lập kế hoạch chiến lược là việc tạo ra chiến lược cạnh tranh khôn ngoan sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và cũng là thỏa mãn nhu cầu thị trường.
Lập kế hoạch chiến lược kinh doanh hiệu quả với mô hình 3C
Được phát triển bởi nhà chiến lược hàng đầu thế giới Kenichi Ohmae, mô hình 3C chỉ ra rằng: muốn thành công khi xây dựng chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nên tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi: Customer (Khách hàng), Competitor (Đối thủ cạnh tranh), Corporation (Doanh nghiệp).
1.Customer (Khách hàng)
Khách hàng là trọng tâm của chiến lược kinh doanh thành công. Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp hàng đầu đều tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng. Lợi nhuận là kết quả của việc thu hút được khách hàng chi tiền cho các sản phẩm, dịch vụ.
Để tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường mới, bạn cần xác định:
- Khách hàng của bạn là ai? (thông tin nhân khẩu, hành vi,…)
- Sở thích và những điều họ quan tâm?
- Đâu là nhu cầu hay vấn đề mà người tiêu dùng gặp phải?
- Họ mong chờ gì khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp?
Nếu lựa chọn tấn công vào nhóm khách hàng có nhu cầu đã được đáp ứng bởi một hay một vài doanh nghiệp trên thị trường, doanh nghiệp của bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng phải cạnh tranh với những “ông lớn”. Đồng thời khi nghiên cứu được những vấn đề của khách hàng mà sản phẩm trên thị trường chưa giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi cho mình.
2.Competitor (Đối thủ cạnh tranh)
Khách hàng luôn có sự lựa chọn, so sánh khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ ở doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác. Chiến lược dựa trên đối thủ cạnh tranh có thể được xây dựng bằng cách xem xét sự khác biệt về chức năng như: mua hàng, thiết kế, kỹ thuật, bán hàng và dịch vụ,…
Khi phân tích về đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể đặt các câu hỏi:
- Họ có những dòng sản phẩm nào?
- Mức giá và thị phần là bao nhiêu?
- Đối tượng khách hàng mà họ hướng tới là ai?
- Quá trình bán hàng, phân phối sản phẩm diễn ra thế nào?
- Doanh số hàng năm của họ đạt bao nhiêu?
- Định vị thương hiệu của họ là gì?
- Họ quảng bá bằng những kênh nào? Những hoạt động nào?
- Các hoạt động marketing có đem lại hình ảnh thương hiệu thống nhất trong tâm trí người tiêu dùng hay không?
3.Corporation (Doanh nghiệp)
Không chỉ hiểu về đối thủ hay khách hàng, một doanh nghiệp muốn tồn tại cần biết mình là ai, mình có những thế mạnh hay điểm yếu ra sao. Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho thế mạnh của mình, thế mạnh này cần có mối liên hệ chặt chẽ với hai chữ C còn lại – customer và competitor.
Thế mạnh này cần phải mang lại giá trị, lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời phải giúp doanh nghiệp có thể trở nên khác biệt và đủ sức cạnh tranh với đối thủ, trở thành ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng.